Hung

Tại sao là Hiwi-job?

Tại sao là Hiwi-job?

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hùng

Tiến Sỹ Ngành Toán tốt nghiệp Summa Cumlaud
Bauhaus – Uni. Weimar

Giới thiệu
Cô bạn nhờ mình viết về kinh nghiệm làm Hiwi. Có đôi chút bối rối vì hai lý do. Lý do thứ nhất về kỹ thuật, tức là mình chẳng có tí kinh nghiệm viết lách nào. Viết dở quá thì ai mà đọc. Lý do thứ hai mới thực sự là vấn đề, vì công việc đó nó tự đập vào mặt chứ mình không phải vất vả đi tìm, tích lũy kinh nghiệm cũng như làm đẹp hồ sơ giống như bạn Trang-Hamburg trên website sividuc.org (phải chú thích ngay là mình rất hâm mộ Trang, vừa xinh đẹp, vừa tài năng và lại giàu nghị lực). Việc nó tự đến thì lấy đâu ra kinh nghiệm tìm việc mà kể? Thôi thì cũng xin kể câu chuyện của mình với em Hiwi vậy.

Nói thật là mình rất hứng thú với đề nghị của cô bạn ngay từ phút đầu tiên. Một trong những bộ phim ưa thích của mình là The Shawshank Redemption. Nếu ai đã từng xem phim này chắc sẽ để ý đến một tình tiết về nhân vật tên Brooks. Trước khi ra đi, ông có khắc lên xà nhà câu „Brooks was here“ kiểu như là bằng chứng về sự tồn tại của ông trên đời. Chúng ta đến rồi đi, và chúng ta để lại các vết tích. Mình bị thôi thúc bởi ý tưởng đó. Thỉnh thoảng trên đường ra sân vận động Wimaria (Weimar), bắt gặp các chú chó đi dạo cùng chủ và cũng làm những việc tương tự với gốc cây, mình lại buột miệng kêu „Ồ! Brooks!“.

Hơi lê thê phải không? Phong cách của mình nó thế. Có lần giáo sư hướng dẫn căn vặn, „Viết luận án thì phải tập trung vào vấn đề, cậu định lấp kín các trang sách bằng các câu chuyện không mấy liên quan à?“ – Xin lỗi giáo sư, việc của tôi là viết, việc của người khác là đánh giá. Tôi không mua việc vào người bằng cách tự đánh giá bản thân.

Tại sao nên là Hiwi-job?

Đối với mình, công việc là duyên số. Thực ra mình cũng đã từng thử việc trong bếp của một khách sạn ở Weimar như những người khác. Được tổng cộng ba buổi thì mình quyết định bỏ. Lý do chính là mình đã tìm thấy em Hiwi. Làm trong bếp khách sạn cũng có hạn chế là công việc không đều đặn, tiếp xúc với nước nóng nhiều không tốt cho tay và thỉnh thoảng phải lau hệ thống thông hơi đầy mỡ, nằm giữa hai bên là bếp nóng khá nguy hiểm (chắc sẽ giống con gà quay nếu chẳng may ngã vào chảo mỡ đang sôi). Hiện giờ mình đang làm một công việc khác tại một công ty vận chuyển. Công việc đều nhưng khá nặng nhọc. Trong những ngày hè nóng đến 30 độ như thế này, mình lại càng nhớ em Hiwi thuở còn mặn nồng. Nhắc đến 30 độ, các bạn ở Việt Nam chắc sẽ cười nhưng phải hiểu rằng sướng thì dễ quen, khổ thì làm biếng lắm.

Hiwi là gì?

Phải nói là mình ghét những định nghĩa, những thông số. Nhưng hình như nó là cái nghiệp: „ghét của nào trời trao của ấy“. Hiwi là viết tắt của cụm từ wissenschaftliche Hilfskräfte (còn viết là studentische Hilfskräfte) dịch đại khái nghĩa là trợ lý nghiên cứu. Rõ ràng công việc này có một lợi thế là làm việc tại trường, nên cũng gần gũi với việc học tập mà các bạn theo đuổi. Nhiều người coi công việc Hiwi như là bước đầu để tiếp cận với hệ thống nghiên cứu gồm giáo sư, nghiên cứu sinh, dự án …, hay đơn giản như là thu nhập thêm trong thời kỳ nông nhàn (chờ đợi kế hoạch tiếp theo). Lợi thế thứ hai là về lương. Lương Hiwi theo giờ được tính theo trình độ (bằng cấp) sinh viên và thay đổi theo trường. Ví dụ như ở Bauhaus-Universität Weimar, trình độ Master thì nhận được 12,60 Eur/giờ, khá hơn nhiều so với lao động thông thường với lương cơ bản bây giờ là 8,50 Eur/giờ.

Công việc Hiwi của mình là giúp một anh bạn đồng nghiệp (người Đức gọi là Betreuer/-in, nghĩa là người giám hộ) trong việc lập trình. Việc tìm được Betreuer/-in là tối quan trọng đối với Hiwi-job, nên trước hết phải giới thiệu đôi nét về anh bạn này. Có lẽ đó là một anh chàng người Nga điển hình, tuổi trẻ tài cao, to béo và uống rượu không biết say. Anh này học Diplom bên Nga, nhưng lặn lội sang Đức làm tốt nghiệp, cũng từng làm Hiwi một thời gian rồi xin được một chân trong dự án GRK 1462 (đây là một trong chuỗi các dự án của DGF nhằm phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ ở Đức). Thời gian làm tại đây, anh ta cần người giúp chạy chương trình anh ta viết, thống kê kết quả, chỉnh sửa và hoàn thiện chương trình… Lúc đầu anh ta định tìm một sinh viên đang học master, phù hợp với hai tiêu chí: giúp việc và cũng nhằm lôi kéo followers. Sau lại hỏi mình thì chắc là thay đổi tiêu chí là tìm người cộng tác, vì hai đứa đều chung thầy hướng dẫn. Việc tiếp theo thì khá đơn giản: cùng làm việc và dự các hội thảo; thỉnh thoảng cùng nhau bia bọt, ăn uống; cùng viết chung một số bài báo khoa học… Công việc Hiwi kéo dài cho đến khi anh này kết thúc công việc trong dự án.

Kinh nghiệm đúc kết

Kinh nhiệmcủa mình đối với Hiwi-job là phải tìm được một người ủng hộ mình và có quyền làm Betreuer/-in. Ai là người có thể làm Betreuer/-in? Nói thật là mình cũng không rõ. Nó phụ thuộc vào tài chính của từng trường, nhưng cơ bản là người có vị trí làm việc tại trường đại học như các Professor hay một số Mitarbeiter. Cuối cùng, vì công việc này dựa trên việc xây dựng quan hệ cá nhân nên không phải cứ phù hợp về chuyên môn là tìm được. Mọi thiếu sót đều có thể bù đắp trong quá trình làm việc. Dở nhất của Hiwi-job là cứ khoảng 3-4 tháng lại phải ký hợp đồng lại nếu có sự đồng ý của Betreuer/-in nên đôi khi bị hụt thu nhập do vênh về thời gian.

Chỉ có một ít chia sẻ cá nhân, hi vọng giúp được các bạn tìm được một công việc tốt. Một lời cuối dành cho các bạn: mỗi người là một sắc màu, đừng lẫn vào màu sắc của người khác. Chúc cuối tuần vui vẻ!

nguyenmanhhung

Nguồn tin: http://career.sividuc.org

Published

Updated

Author

Minda

Comments