Xin việc trong khi đang học Đại học – Khối ngành Kinh tế

Xin việc trong khi đang học Đại học - Khối ngành Kinh tế

Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh
Uni Hamburg

Giới thiệu

Trước khi bắt đầu bài viết, kinh nghiệm mà mình nói dưới đây chủ yếu tập trung cho các bạn sinh viên học khối ngành kinh tế, và đang có mong muốn tìm việc ,,Working student´´ (Werkstudet), vị trí thực tập (trainee, intern), tóm lại là cho các bạn sinh viên chưa tốt nghiệp. Tuy chưa có bằng cấp Đại học trong tay, nhưng một bộ CV tốt sẽ giúp các bạn được mời phỏng vấn cho các công ty khó tính và làm giàu thêm cho kinh nghiệm của bản thân sau này khi ra trường.

Ở CHLB Đức, các bạn sinh viên Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh chỗ làm với sinh viên người Đức mà còn phải cạnh tranh với sinh viên các quốc gia khác. Nên việc tích lũy kinh nghiệm khi còn đang theo học ĐH là vô cùng quan trọng. Ngoài ra khi tham gia các công việc này bạn sẽ được làm quen với hệ thống trong các công ty của Đức cũng như làm quen với các kiến thức mà các bạn không được học trong trường ĐH (ví dụ như SAP, HTML…).

Đối với sinh viên nhóm ngành kinh tế, theo kinh nghiệm cá nhân của mình cũng như tìm hiểu từ một số người làm trong mảng nhân sự thì đối với nhiều công ty, bằng cấp và điểm số là một điểm cộng cho ứng viên, nhưng kinh nghiệm trong công việc mới là thứ quyết định chất lượng, khả năng làm việc của bạn. Cụ thể là: thời gian 1-2 tháng đầu tiên bạn bước chân vào công ty, tùy theo mức độ phức tạp của công việc, thì đây sẽ là khoảng thời gian bạn học việc và cũng là giai đoạn unproductive (không sinh lời cho công ty) vì bạn chưa quen việc. Thậm chí, nếu làm việc trong một nhóm thì bạn có khả năng kéo năng suất của cả nhóm đi xuống vì các đồng nghiệp khác ngoài phần việc của họ, cũng sẽ phải giúp đỡ bạn. Nói chung là những gì bạn học trong trường Đại học sẽ chỉ được dùng khoảng 10%, còn lại bạn sẽ được công ty đào tạo lại. Đó là lý do các công ty lớn luôn muốn tuyển những ứng viên nhiều kinh nghiệm và cầu tiến.

Ngoài bảng điểm và các chứng chỉ thì hai thứ quan trọng nhất mà một công ty đánh giá bạn là lý lịch trích ngang (résumé) và thư xin việc (Cover letter). Bạn sẽ ngạc nhiên rằng, mặc dù một sinh viên bỏ ra hàng giờ thậm chí là nhiều tháng để viết một lá thư xin việc chất lượng. Nhưng, những người tuyển dụng chỉ mất từ 1-2 phút để liếc qua lý lịch trích ngang và thư xin việc của bạn. Đối với người Đức, một lỗi chính tả, ngữ pháp chứ chưa nói đến nội dung hoặc cách thành văn cũng đã đủ để họ bỏ qua hồ sơ của bạn. Nên, các bạn hãy cố gắng đầu tư thật nhiều thời gian cho lá thư xin việc của mình, hãy tham dự các khóa học viết thư xin việc, cũng như nhờ người Đức xem và sửa chữa cho bạn từ chính tả, ngữ pháp, các thành văn, logic của là thư, cho đến cách trình bày của lá thư xin việc.

Các bước chuẩn bị cho một CV:

Một tấm hình chân dung đẹp rõ ràng (tham khảo mẫu tại: http://arbeits-abc.de/bewerbungsfoto/
Một bộ CV gồm thư xin việc và lý lịch trích ngang
Bằng cấp hiện có (chứng chỉ Toefl, bảng điểm ĐH, thư đề cử của công ty trước)
Các tips của mình:

Thư xin việc cũng như lý lịch trích ngang nên viết bằng tiếng Đức, vì các nhà tuyển dụng Đức sẽ cảm kích việc bạn có thể viết được 1 CV hay bằng tiếng Đức (đó là 1 điểm cộng). CV bằng tiếng Anh chỉ nên gửi khi các công ty yêu cầu.
Nếu được các bạn nên tranh thủ tham gia các khóa học Excel, Words, PP, Out look, các khóa lập trình cơ bản C++, SAP vì đây là các phần mềm được phần lớn các công ty Đức ưu chuộng
Tiếng Đức giao tiếp nên ở trình độ cao vì công việc trong các công ty lớn đòi hỏi giao tiếp liên tục, cũng như sự chính xác trong thông tin. Tiếng Anh thông thạo cũng là một điểm cộng.
Khi các bạn kết thúc một công việc thì các bạn nên xin Arbeitszeugnis (nôm na là bảng đánh giá công việc), vì kinh nghiệm cũng như thái độ làm việc của bạn sẽ thể hiện trên đấy và Là thước đo cho các công ty sau đánh giá bạn.
Một lời khuyên cuối cùng, cho CV xin việc trong nhóm ngành kinh tế không nên trang trí quá sặc sỡ hay sử dụng quá nhiều màu trừ khi bạn apply vào một công ty design. Lời khuyên này xuất phát từ một số người làm bên nhân sự, theo quan điểm của nhiều công ty kinh tế thì họ thường ưa chuộng sự giản đơn, không cầu kỳ, hào nhoáng.

Cuối cùng, đừng bao giờ bỏ cuộc nếu bạn bị từ chối. Việc chọn 1 ứng viên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hãy luôn cố gắng học hỏi và phát triển bản thân. Chúc các bạn may mắn

* Một số tips khá hay cho lá thư xin việc mà các bạn có thể tham khảo:
http://karrierebibel.de/dossier-bewerbungsschreiben-das-gehort-ins-anschreiben/
Một số ví dụ thư xin việc mà các bạn có thể tham khảo:
https://www.staufenbiel.de/wirtschaftswissenschaftler/bewerben/muster-anschreiben-trainee-im-vertrieb.html
https://www.staufenbiel.de/banking-finance/banking/bewerben/die-perfekte-bewerbungsmappe/anschreiben/muster-anschreiben-bank.html

Lưu ý: hãy tham khảo thôi, đừng nên copy toàn bộ thư mẫu ở trên mạng, hãy cố gắng dùng những từ ngữ chân thật để giới thiệu về bản thân bạn.

nguyentuananh

 

Các bạn còn có bất kì câu hỏi hoặc muốn tìm hiểu nhiều hơn tới du học Đức hãy liên hệ:
Ban Hỗ trợ sinh viên SIVIDUC
Email: banhotrosinhvien@gmail.com

Published

Updated

Author

Minda

Comments