BWL – Chọn trường và ngành học khối Kinh tế

BWL - Chọn trường và ngành học khối Kinh tế

Tác giả: Hà Thu Thủy
Europa Universität Viadrina
Frankfurt Oder

Giới thiệu
Chắc hẳn có nhiều hơn 1 lý do để các bạn quyết định đi du học. Du học không chỉ đơn giản là sống và học tập tại nước ngoài, nó là 1 trải nghiệm đáng quý làm thay đổi cuộc sống của bạn.Khó có thể phủ nhận những lợi ích đem lại cho bạn khi đi du học như: tìm hiểu nền văn hóa học ngoại ngữ, kinh nghiệm và các trải nghiệm thực tế giúp bạn trưởng thành hơn, cơ hội tuyển dụng cao hơn. Tất cả những gì bạn có được sau năm tháng du học không một trường đại học nào có thể dạy bạn. Và đâu sẽ là điểm đặt chân đến của bạn trong hành trình du học. Câu trả lời hẳn không hề đơn giản. Với những ai đã chắc chắn điểm dừng chân của mình là ở nước Đức xinh đẹp, điều băn khoăn lớn tiếp theo của bạn sẽ là: học cái gì và ở đâu.
Kinh tế dường như là một ngành được lựa chọn nhiều hơn cả. Vì vậy trong bài thuyết trình này mình chỉ đề cập đến kinh nghiệm chọn trường và ngành học khối ngành kinh tế và trọng tâm là ngành BWL.

1. Những vấn đề thường gặp khi nộp hồ sơ :
-Zulassungsbeschrankung und Numerus Clausus (NC) Đây là 2 từ đồng nghĩa chỉ sự giới hạn về số lượng sinh viên. Hầu hết ngành BWL ở tất cả các trường đều giới hạn sinh viên.
– Có các tiêu chí cụ thể để lựa chọn hồ sơ như sau

Điểm trung bình học tập
Thời gian chờ
Phương pháp lựa chọn riêng của mỗi trường
Điểm trung bình học tập: Các bạn học STK thì điểm xét tuyển là điểm các bạn đạt được trong trong kỳ thi FSP và điểm ở Việt Nam, còn các bạn học DSH thì sẽ xét điểm Đại học và chứng chỉ DSH . 20% số lượng sinh viên có điểm số tốt nhất sẽ được ưu tiên đầu tiên, điểm số được xét từ cao xuống thấp và không có một mức điểm cụ thể nào cho việc xét tuyển
Thời gian chờ đợi : Wartezeit thời gian bạn nộp hồ cho đến khi kỳ học của bạn chính thức bắt đầu, với điều kiện là trong thời gian này bạn cũng không ghi danh vào bất kỳ 1 trường đại học nào khác.20% số lượng sinh viên sẽ được lựa chọn theo thời gian nộp hồ sơ. Vì vậy nếu điểm của bạn không thực sự tốt, cố gắng nộp hồ sơ sớm nhất có thể
Tiêu chí riêng của trường: 60% lượng sinh viên còn lại sẽ được lựa chọn theo tiêu chí riêng của từng trường như kinh nghiệm thực tế, thi đầu vào Aufnahmertest, ngoại ngữ , Bewerbungschreiben, Motivationschreiben… Nhưng chắc chắn 1 điều điểm số là yếu tố quyết định đến việc bạn được nhận Zulassung hay không.

2. Vậy bao nhiêu điểm là đủ để bạn được nhận vào 1 trường học (NC Werte)
Điểm xét tuyển sẽ khác nhau ở mỗi trường và tùy theo từng ngành cụ thể. Nó cũng thay đổi theo từng năm khác nhau. Dưới đây là ví dụ điểm xét tuyển ngành BWL ở mỗi trường khác nhau học kỳ mùa đông 2014/2015

Tên trường Điển trung bình học tập Thời gian chờ
Universität Köln 1,7 8 (3,7)
Freie Universität Berlin 1,8 8 (3,1)
Universität Hamburg 2,1 9(2,7 )
Hochshule Hannover 2,2 14
FH Dortmund 2,5 8 (3,2)
Universität Halle 3,1 2(2,3)
Nguồn: http://www.studis-online.de/StudInfo/nc-werte.php

Nếu ngành học của bạn là Zulassungsfrei thì bạn không cần lo lắng đến phương pháp xét tuyển trên. Nó không có nghĩa là bạn sẽ chắc chắn được học nếu bạn nộp hồ sơ. Bạn sẽ chỉ được nhận học nếu điểm của bạn đủ điểm yêu cầu của trường và các yêu cầu khác. Thực ra thì điểm xét tuyển của những ngành có Zulasssungsfrei không cao. Một số ngành thường có Zulassungsfrei như Wirtschaftsinformatic, Wirtschaftsingeniuer.

3.Kinh nghiệm cá nhân
Hiện tại mình đang học ngành internationale BWL tại Europa Universität Viadrina học kỳ thứ 2. Trước khi sang du học mình cũng đã hoàn thành chương trình học cử nhân tại Việt Nam chuyên ngành Quản lý kinh tế. Vì đã tốt nghiệp đại học ở VN nên bắt buộc mình phải học và thi lấy bằng DSH. Mình học 2 khóa ôn DSH tại HS Anhalt và tại đây mình cũng gặp nhiều bạn theo học STK. Vì DSH là kì thi ngôn ngữ nên chỉ tập trung chuyên sâu vào học tiếng đức, không tràn lan các môn như học STK, tuy nhên mình cũng như các bạn học DSH sẽ không có cơ hội học thêm những môn khác như toán, hay kinh tế. Và 1 câu hỏi băn khoăn lớn của mình ngay từ khi mới xác định du học đó là học lại Bachelor hay học Master.
Nếu quyết định học lại Bachelor thì có nghĩa là bỏ phí 4 năm đại học ở Việt Nam và tấm bằng tốt nghiệp, nhưng học lên Master thì cũng khiến mình rất băn khoăn vì không biết những kiến thức đã học ở Việt Nam có thể giúp cho mình hoàn thành chương trình Master bên này hay không.
Khi nộp hồ sơ cho các trường mình đăng ký học cả Bachelor lẫn Master, mình cũng đã nhận được Zulassung của 1 trường FH cho chương trình học Master nhưng cuối cùng mình chọn học Bachelor. Không hẳn là vì mình sợ không thể hoàn thành chương trình học. Sau gần 1 năm ôn DSH tại đây mình thấy rằng chương trình học của Đức được đào tạo rất thực tế và căn bản, yêu cầu sinh viên phải thực sự hiểu và tiếp thu vấn đề thì mới có thể làm được bài thi. Sau khi học ở Uni 2 kỳ mình thấy quyết định ban đầu khá đúng đắn, những kiến thức kinh tế mà mình đã được học ở Việt Nam hầu như không giúp ích cho mình nhiều trong việc học tại đây. Tại Việt Nam mình được đào tạo đại cương 2 năm và 2 năm học chuyên ngành,chương trình học tại Đức mình đang theo học là IBWl thời gian học theo quy định là 3 năm, và hoàn toàn khác với những gì mình đã học ở VN
Thứ nhất, phần đào tạo chung với những kiến thức nền tảng, nếu như ở Việt Nam thì Sinh viên phải học những môn đại cương rất chung chung như Triết học , Tư tưởng của Đảng Cộng Sản… thì ở bên này, nếu bạn học kinh tế có nghĩa là chỉ học những gì liên quan đến kinh tế, không có bất kỳ 1 môn học nào liên quan đến xã hội hay văn hoá . Sau 1, 5 năm bạn được lựa chọn môn học chuyên ngành cụ thể.
Thứ hai, có những môn học rất giống ở Việt Nam mà mình đã học như kinh tế vĩ mô, vi mô, xác suất thống kê nhưng kiến thức thì hoàn toàn khác. Điển hình như Kinh tế vĩ mô. Mình đã bị shock khi học môn này, vì phần học ở nhà cực kỳ dễ, lý thuyết đọc qua không cần hiểu sâu, bài tập thì có 1 vài dạng đơn giản làm theo công thức là xong. Chương trình học của Đức được cho là khá nặng về lý thuyết, sẽ đi từ lý thuyết, khi hiểu rõ lý thuyết bạn có thể áp dụng làm bài tập, theo kiểu đi từ gốc rễ đến ngọn, không thể áp dụng công thức 1 cách máy móc vào, vì bài tập có hàng trăm dạng, đòi hỏi bạn phải suy luận logic. Hay ngay cả môn toán cũng vậy , môn học tưởng chừng như vô cùng đơn giản và dễ lấy điểm với sinh viên Việt Nam, thực tế không hẳn vậy. Học toán ở VN chỉ cần nhớ công thức, áp dụng cho từng dạng bài là bạn sẽ làm được, còn học ở Đức thì bạn sẽ học lý thuyết rất nhiều , sau đó có những ví dụ cụ thể và làm bài tập. Học ở Đức luôn đòi hỏi sinh viên phải động não nếu muốn làm bài được điểm tốt, bạn có thể đạt điểm điểm trung bình dễ dàng, 2 hoặc 3, nhưng đạt điểm 1 thì hơi khó, đề thi hầu như có thể phân loại sinh viên từ khá giỏi và trung bình.
Học BWL có lợi thế là khi ra trường bạn có nhiều cơ hội tìm việc tuy nhiên khả năng cạnh tranh cao.Nếu các bạn vẫn băn khoăn về ngành BWL vì số lượng sinh viên đông,thì một gợi ý nhỏ cho bạn đó là ngành Internationale BWL. Chương trình học IBWL tại Universität Viadrina gần như là giống BWL, chỉ khác là bạn sẽ phải làm ít nhất 1 kỳ học hay thực tập tại nước ngoài . Kể từ học kỳ thứ 4 các bạn có thể làm 1 kỳ học nước ngoài gọi là Auslandsemester. Hình thức này giống như trao đổi sinh viên giữa các trường , bạn có thể nộp hồ sơ theo học tại 1 trong số những trường hợp tác liên kết với Uni Viadrina hoặc tìm bất kỳ 1 trường nào mà bạn muốn học nhưng phải có chương trình học phù hợp với ngành mà bạn đang học. Nếu bạn học tại các trường liên kết với nhau bạn có lợi thế là được hỗ trợ rất nhiều về học tập, học phí cũng như nơi ăn ở. Bạn cũng có thể quay về VN học nếu tìm đc chương trình học phù hợp.Ngoài ra còn có cả chương trình học bằng tiếng Anh cho các bạn lựa chọn. Mình thấy đây là 1 cơ hội tốt cho bản thân vì bạn có nhiều trải nghiệm, thêm nữa là việc học tại 1 trường ĐH khác giúp CV xin việc sau này của bạn có thể sẽ được đánh giá cao hơn, bạn có thêm 1 ngoại ngữ nữa không chỉ đơn giản là tiếng anh hoặc tiếng đức

4. Chọn trường học
Nên học tại Universität hay Fachhochschule
Còn 1 câu hỏi nữa mà chắc chắn còn rất nhiều bạn băn khoăn đó là học Universität hay Fachhochschule
Mình chọn học Universität thay vì Fachhochschule chỉ đơn giản là tại trường mình học Europa Universität Viadrina có ngành mình muốn học, ngành IBWL. Nhiều bạn vẫn nghĩ rằng học Uni khó hơn học FH, hay bằng của Uni tốt hơn FH, nhưng thực tế không hẳn vậy. Có khoảng 3/4 số lượng Sinh viên theo học Uni và 1/3 còn lại học tại FH. Học ở Uni chỉ đơn giản là bạn sẽ được đào tạo theo hướng nghiên cứu, FH là kiểu học định hướng thực hành. Học Uni bạn phải học nhiều lý thuyết hơn,còn ở FH sẽ trọng tâm phần thực hành. Học ở Uni có nghĩa là bạn sẽ phải tự học, tự nghiên cứu, thời gian đến trường ít hơn so với học FH. Bản thân mình học ở Uni thì chỉ phải đến trường 2 đến 3 buổi để tham dự Vorlesung, các ngày còn lại trong tuần mình được lựa chọn thời gian để làm Tutor, thời gian còn lại mình tự học là chính. Các bạn học ở FH sẽ phải làm quen với phương pháp học và làm bài theo nhóm, cũng như là làm các bài tập thuyết trình khá nhiều . 1 lớp học chỉ có khoảng 30 Sinh viên, không giống như Uni với hàng trăm sinh viên trong 1 giảng đường. Học Uni hay FH thì đều có cái khó của nó. Vậy để lựa chọn Uni hay FH thì mình không dám đưa ra bất kỳ lời khuyên nào cả, tùy theo các bạn lựa chọn cách thức và ngành học phù hợp với bản thân.

1 số trường có xếp hạng cao về học BWL
Lý do thứ 2 khiến mình chọn Uni viadrina là nó cũng là 1 trong những trường xếp thứ hạng tốt về đào tạo kinh tế. Mình xem Ranking tại trang Ranking.zeit.de. Thứ hạng của trường sẽ thay đổi theo ngành học và các tiêu chí cụ thể. Một số tiêu chí mình lựa chọn trường mình cho rằng khá quan trọng như: Studiensituationsingesamt, Unterstützung für Auslandstudium, Berufsbezug.
Ngoài ra 1 số trường có xếp hạng cao về học BWL như Uni ZU Friedrichshafen, Uni Mannheim, Uni Köln, FH Reulingen, FH München. Tuy nhiên với mình việc lựa chọn trường theo Ranking không phải là 1 tiêu chí hoàn hảo. Nó chỉ giúp bạn có 1 cái nhìn tổng quát về trường và ngành mình muốn học.

Để chọn lựa được 1 ngành học phù hợp với bản thân hẳn không phải điều đơn giản. Các bạn hãy cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Học tập không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nó chỉ là con đường ngắn hơn và đơn giản hơn để đi đến thành công. Và dù có lựa chọn con đường nào thì điều quan trọng nhất là sự nỗ lực cố gắng không ngừng của bản thân. Thành công, may mắn hay cơ hội chỉ đến với những ai luôn cố gắng.

hathuthuy

Nguồn tin: http://career.sividuc.org

Các bạn còn có bất kì câu hỏi hoặc muốn tìm hiểu nhiều hơn tới du học Đức hãy liên hệ:
Ban Hỗ trợ sinh viên SIVIDUC
Email: banhotrosinhvien@gmail.com

Published

Updated

Author

Minda

Comments