HMD

Hãy học tiếng Đức đến khi nào?

Hãy học tiếng Đức đến khi nào?

Tác giả: Hà Minh Đức
Aachen

Giới thiệu
Chào các bạn, Mình tên là Hà Minh Đức hiện tại là sinh viên IT tại Aachen, cũng là thành viên SiviDuc. Ở đây mình muốn chia sẻ một vài điều nho nhỏ cho các bạn quan tâm tới việc du học đức, chọn trường, chọn ngành , cũng như xin việc (werkstudent / studentische Hilfkraft). Nhiều người sẽ cho rằng bài viết này nhảm nhí, nhưng khi các bạn đọc kỹ thì sẽ thấy nó đúng là nhảm nhí thật !

Nào bắt đầu! Trước khi sang Đức mình là sinh viên của K54 đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng việc học ở ĐH chỉ dừng lại ở 1 năm. Lúc đó thì sinh viên năm nhất tất cả được học chung với nhau và chưa được phân ngành cụ thể. Sau 1 năm học đại học thì ít, học tiếng Đức thì nhiều, mình đã lên đường sang Đức.

Với những bạn sẽ sang Đức học dự bị đại học như mình thì 1 lời khuyên nhỏ đó là hãy gửi thật nhiều hồ sơ xin học dự bị khi trước khi bạn xin visum. Và hãy học tiếng Đức nhiều nhất có thể. Có thể nhiều bạn không biết, việc khó nhất trong việc học dự bị đại học ở đức đó là cuộc thi đầu vào (Aufnahmeprüfung). Với kinh nghiệm bản thân thì mình thấy Aufnahmeprüfung là 1 kỳ thi còn khó hơn cả thi đại học ở Việt Nam. Nó khó không phải vì kiến thức khó, mà khó vì thật sự các bạn không biết phải chuẩn bị cái gì và tỉ lệ chọi thì ngày 1 tăng, do số lượng trường Studienkolleg (Stk) thì càng ngày càng ít. Thông thường thì các kỳ thi Aufnahmeprüfung sẽ có 2 phần : Toán và Tiếng Đức. Toán thì không cần bàn, nếu bạn thi được đại học ở Việt Nam thì sẽ dư sức làm bài thi toán này. Cái khó đó là phần thi tiếng Đức. Mình cũng mới thi ở 2 Stk nên không thể nói là hoàn toàn, nhưng phần đông là thi bằng hình thức C-Test. Nó có nghĩa là người ta sẽ cho bạn những đoạn Text, trong đó có những từ không hoàn chỉnh và bạn phải điền các chữ cái để hoàn thành từ và đoạn Text có nghĩa. Như đã nói, phần này là phần mà không bao giờ biết trước được. Text có thể ngẫu nhiên ở đâu đó, trong 1 quyển sách nào đó hoặc trong 1 bài báo nào đó xuất hiện. 1 người thầy giáo dạy tiếng đức của mình tại Stk Bochum đã nói, C-Test là thứ mà không thể ôn, chỉ phụ thuộc vào vốn từ của bạn mà thôi. Nên việc thi Aufnahmeprüfung thật sự không dễ nên hãy chuẩn bị nhiều hồ sơ để bạn có thể được thi ở nhiều nơi, hy vọng 1 trong số các chỗ đó đỗ, vừa tránh được việc thi trượt phải chờ nửa năm sau thi lại, và mỗi trường bạn cũng chỉ có thể được thi tối đa 2-3 lần, và tổng thời gian bạn có là 2 năm cho việc dự bị đại học, nên tiết kiệm được thời gian thì việc học đại học càng được nhanh. Hãy chuẩn bị nhiều hồ sơ và vốn tiếng Đức thật tốt nhé.

Khi đọc tới đây, có nghĩa là mình đang học ở Stk Sachsen ( Leipzig). Việc học kolleg như thế nào thì mình sẽ không nói đâu, các bạn đã thi được vào thì hãy tự trải nghiệm nhé. Mình tin nếu đã học được 12 năm ở Việt nam và có quyết tâm thì Stk cũng chỉ như là bạn đi học mẫu giáo ở Đức thôi (trích dẫn đúng câu nói của 1 cô giáo dạy tiếng đức tại stk Sachsen).

Tốt nghiệp Stk với số điểm 1,1 mình hiên ngang Bewerbung vào tận 2 trường đại học: RWTH Aachen và TU Darmstadt. Thật ra mình xin ít trường là vì mình chỉ thích có đúng 1 trường thôi, nhưng với các bạn mà chưa biết mình muốn học chính xác ở đâu, thì hãy nộp nhiều nơi rồi tha hồ chọn. Việc chọn ngành cũng sẽ là một vấn đề quan trọng. Ngoài việc đam mê, hãy tìm hiểu kỹ ngành bạn học ở trường bạn muốn học sẽ diễn ra như thế nào, nó có thể chuyên sâu về cái gì. Vì thực sự các ngành kỹ thuật ở Đức có những hướng đi mà ở Việt nam các bạn sẽ không bao giờ thấy. Chỉ đơn giản như TU München, Informatik cũng được chia làm hai, 1 là lập trình game, 2 là Informatik và trong đó chắc còn rất nhiều hướng nhỏ. Và như RWTH Informatik thì có tận 12 viện nhỏ và 3 hướng nghiên cứu mới. Bạn sẽ choáng ngợp nếu chưa xác định được hướng đi cụ thể cho mình. À tí quên đến việc nộp hồ sơ xin học đại học. Thông thường cần nộp những gì thì người ta sẽ ghi cụ thể trong trang web trường, các bạn chịu khó tìm sẽ ra. Mình muốn nhắc đến trường hợp mà nhận bằng Stk muộn hơn hạn nộp, với các ngành không có NC ( giới hạn điểm) thì các bạn cứ nộp những gì các bạn có, và báo với trường là sẽ nộp bổ trung trước ngày Einschreibung ( ngày nhập học) là sẽ ok nhé.

Và 1 lưu ý quan trọng khi đã được vào đại học, đừng nghĩ điểm Stk cao thì là bạn sẽ học dễ nhé, không đúng đâu. Chẳng hề dễ tí nào cả đâu. Bạn học Stk thì chỉ như học mẫu giáo, còn Hochschule thì nó là ĐẠI HỌC. Khi mới bắt đầu, nếu ai mà trình độ cũng chỉ phọt phẹt như mình thì chắc ngồi trên giảng đường cũng sẽ nghe được tất cả những gì giáo sư nói, nhưng hiểu được bao nhiêu thì HÊN XUI 😀 Đừng hoảng sợ khi không hiểu gì mấy, hãy hỏi những bạn người Đức xem hiểu được bao nhiêu, lúc đó các bạn sẽ tự tin hơn. Và hãy cố gắng đọc nhiều, xem nhiều các bạn sẽ hiểu dần dần. Việc học như thế nào thì mỗi người sẽ tự tìm được cách riêng. Chúc các bạn may mắn.

Khi các bạn muốn xin đi làm thêm, đặc biệt là đi làm werkstudent, nhất là khi muốn đi làm đúng ngành mà bạn học, thì việc đầu tiên luôn phải xác định là có điểm số tương đối là không tệ. Hãy chuẩn bị 1 bộ hồ sơ đẹp với 1 bản Motivation thật sự tốt để có thể lôi kéo sự chú ý của người tuyển dụng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Với 1 bản điểm tốt, chắc chắn bạn sẽ dễ dàng được mời tới để “nói chuyện”. Khi đó hãy tự tin để có thể trả lời được những câu hỏi được đặt ra.

Một điều vô cùng quan trọng nữa, mà không thể không nhắc tới đối với bất kỳ ai, bất kỳ ngành nghề nào, đó là hãy chuẩn bị cho mình một nền tảng tiếng Anh thật sự tốt. Các bạn đừng nghĩ khi học ở Đức bằng tiếng Đức thì không cần giỏi tiếng Anh. Đó thật sự là 1 sai lầm. Dù đi làm ở đâu, bạn cũng cần biết tiếng Anh, kinh tế, kỹ thật, y học bất cứ lĩnh vực nào cũng cần.

Nếu bạn chưa tốt tiếng Anh, không bao giờ là muộn để bạn có thể bắt đầu học. Hãy bắt đầu từ bây giờ, ngay lúc này, để có 1 vốn tiếng Anh thật sự tốt. Hãy nhớ 1 điều, người Đức sẵn sang nhận 1 người làm giỏi tiếng Anh mà kém tiếng Đức, còn hơn tuyển 1 người giỏi tiếng Đức mà không biết tiếng Anh!

Bên cạnh việc học, để chắc chắn sau khi ra trường bạn sẽ tìm được việc, hãy dành thời gian của mình để tìm kiếm thực tập. Càng thực tập nhiều, bạn càng có 1 bản lý lịch “đẹp”. Khi đó việc xin việc làm sẽ càng dễ dàng hơn, không những thế bạn sẽ có thể học được rất nhiều điều từ việc thực tập. Hãy thử xem xét đi thực tập tại những thành phố nhỏ, vì ở đó gần như sẽ luôn cần người. Tại những thành phố lớn, công việc xin thực tập sẽ khó hơn, vì tính cạnh tranh cũng cao hơn, nếu như bạn đã xin được thực tập tại 1 công ty cỡ vừa và lớn tại 1 thành phố nổi tiếng thì thực sự xin chúc mừng. Hãy tận hưởng nó, cố gắng hết sức học hỏi trong quá trình làm, nhưng cũng đừng quên ngắm nghía thành phố nhé!

Chúc các bạn thành công trên con đường du học tại Đức!

haminhduc

Nguồn tin: http://career.sividuc.org

Published

Updated

Author

Minda

Comments