Vy

45 ngày sau khi tốt nghiệp có thể xin được việc làm ở Đức

45 ngày sau khi tốt nghiệp có thể xin được việc làm ở Đức
Tác giả: Lê Thụy Vy
Sales Manager, KG MTI-Vertriebsgesellschaft mbH & Co
Hamburg

Kinh nghiệm xin việc sau khi tốt nghiệp luôn là nỗi lo lắng của các bạn sinh viên Việt Nam du học. Đặc biệt là vào thời điểm mà „ cung nhiều hơn cầu“, và lại là sinh viên nước ngoài với biết bao trở ngại so với sinh viên Đức.

Riêng đối với bản thân mình thì việc xin việc vào khoảng thời gian đầu chưa có kinh nghiệm thì rất khó khăn và stress. Vì muốn rút ngắn thời gian 18 tháng tìm việc theo luật của Đức đối với sinh viên nước ngoài, nên vào giai đoạn cuối khoảng 1-2 tháng trước khi tốt nghiệp Master, mình bắt đầu tìm hiểu thông tin về cách viết CV (Anschreiben) và Resume (Lebenslauf). Khi đã tổng hợp đầy đủ thông tin cần thiết thì mình bắt đầu viết „bản nháp“ cho hồ sơ xin việc của mình. Ngoài ra trong giai đoạn chuẩn bị cho hồ sơ xin việc, thì mình hay tìm hiểu và tham dự những khóa học miễn phí của trường về việc trang bị cho sinh viên kiến thức về việc chuẩn bị cho phỏng vấn xin việc, cách viết đơn xin việc sao cho thuyết phục (mình tham dự luôn cả cho tiếng Anh và tiếng Đức). Đồng thời vào những buổi học ngoại khóa như vậy, mình có cơ hội để nhờ giáo viên chỉnh sửa, góp ý bổ sung những thông tin còn thiếu sót hoặc chưa thực sự thuyết phục đối với nhà tuyển dụng. Bởi vì theo kinh nghiệm của mình thì khi tìm việc trên mạng xã hội (stepstone.de; monster.de…), phần mô tả vị trí công việc chính là những phần rất cần thiết để chú trọng khi viết Anschreiben. Mình phải xem thật kĩ để biết rằng công việc đó có thực sự phù hợp với mình hay không.

Đối với bản thân mình: khi mình đọc qua phần giới thiệu công việc của công ty, mình cảm thấy mình đáp ứng được 80% yêu cầu của nhà tuyển dụng và cảm thấy mô tả công việc phù hợp với mình thì mình quyết định cho vào „danh sách đen“. Sau đó bắt tay vào viết và hoàn tất hồ sơ xin việc, để tránh trường hợp chần chừ lưỡn lự rồi để mất cơ hội.

Nội dung của Anschreiben nói đúng ra là bản trình bày ngắn gọn về sự hiểu biết và hứng thú của mình được viết dựa trên phần mô tả vị trí công việc của nhà tuyển dụng, để cho nhà tuyển dụng thấy rằng bản thân mình đáp ứng đủ các yêu cầu của công ty đề ra. Còn Lebenslauf thì trình bày ngắn gọn (max. 3 trang) những thông tin cá nhân (về kinh nghiệm làm việc, kĩ năng cứng, kĩ năng mềm của bản thân,..) trong quá trình học tập và làm việc (internships) tại Đức. Đối với Lebenslauf ở của Đức, thì thường phổ biến là việc dán ảnh xin việc vào góc bên phải của Lebenslauf.

Thứ tự hồ sơ:

  • Deckblatt ( Trang bìa-  có hoặc không có) : ghi chú tên, địa chỉ liên lạc, điện thoại và email.
  • Anschreiben (CV)
  • Lebenslauf (Resume‘)
  • Certificates: bản scan của văn bằng, chứng chỉ,  chứng nhận của những nơi đã từng thực tập (Arbeitszeugnis) hoặc các giấy tờ liên quan khác nếu có.
  • Ở Đức đa số các công ty đều rất ưa chuộng hình thức nộp đơn trên mạng, nên nhiều khi bạn cũng có thể viết trực tiếp Lebenslauf và Anschreiben trên trang web của công ty.

Và điểu quan trọng nữa là việc làm thêm trong quá trình học cũng là một điều cần lưu ý. Các bạn cố gắng chọn những công việc có liên quan đến ngành của mình một xíu thì dù ít dù nhiều sau đó có thể viết vào CV được, có ít kinh nghiệm còn hơn không. Việc rải CV của mình ở đây cũng là một kinh nghiệm nhưng các bạn. Nên nhớ CV của mình trước đó bao gồm cả những công việc mà mình đã làm trong quá trình học tập. Mình lựa những project, parttime job có liên quan đến lĩnh vực của mình để làm đó cũng là một chiến lược, vừa đánh bóng được CV sau này.

(Trên đây là một số công việc mà mình đã làm trong quá trình học tập. Cách xin các việc làm thêm chất lượng mà có liên quan đến lĩnh vực của mình các bạn có thể xem thêm tại bài của Nguyễn Tuấn Anh)

Vào chặng đường cuối cùng của quãng đường đại học – trong khoảng thời gian chỉnh sửa cho luận văn thì mình đi tìm việc và chuẩn bị hồ sơ xin việc- thực sự điều này rất khó với chính bản thân mình vì tâm lý là chưa tốt nghiệp, nên không thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cho nên cuối cùng toàn nhận được thư từ chối của các công ty. Nhưng không vì vậy mà làm mình nản chí, mình vẫn kiên trì tiếp tục công việc „tìm- viết- chỉnh sửa- nộp“. Mình đã gửi tổng cộng cũng hơn 60 hồ sơ xin việc đi khắp nơi trên nước Đức.

Ở mỗi vị trí mình gửi đi, mình „xào nấu“ chỉnh sửa hồ sơ (Anschreiben) một tí xíu, nhấn mạnh những điểm „cần“ , rồi bỏ những chi tiết khác để sao cho phù hợp với công việc và sau đó lưu lại (để phòng hờ sau này nếu được gọi đi phỏng vấn thì mình vẫn nhớ mình đã „chém“ những gì trong hồ sơ). Nhưng khi nộp hồ sơ, để có thể lọt vào „tầm ngắm“ của nhà tuyển dụng, bạn cũng nên chú ý là bạn cũng nên chọn ngành mà trong đó bạn có tý hiểu biết chuyên môn về ngành mình muốn nộp (không nhất thiết phải là có kinh nghiệm làm việc, vì bản thân mình sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm), chứ không phải chỉ là chung chung về BWL hay là VWL.
Nhưng gửi cho nhiều rồi mình cũng bị nhận thư từ chối với muôn vàn lý do (chưa có kinh nghiệm, công ty tìm được người khác phù hợp hơn…), trong số đó thì chắc chỉ được đếm trên đầu ngón tay số cuộc gọi phỏng vấn hỏi thăm qua điện thoại, và 4-5 cuộc gọi phỏng vấn trực tiếp tại công ty. Ở Đức thì mình không cần phải lo lắng gì về chi phí đi lại cho những cuộc phỏng vấn ở xa thành phố mà mình đang ở, cho nên cứ thế mà „rải“ truyền đơn khắp nơi.

Và rồi qua những lần phỏng vấn không đạt và bị từ chối, đã giúp mình phát hiện ra những ưu và khuyết điểm của bản thân, để sau đó về tìm tòi và phát huy để rút kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn tiếp theo. Vào những lần phỏng vấn đầu tiên, có lúc vì run quá nên mình bị lắp bắp trả lời lủng củng, thế là bị nhà tuyển dụng phán cho một câu để đời : “Tiếng Đức của bạn như vậy thì tôi nghĩ bạn nên về học thêm tiếng Đức thì như thế mới thích hợp với công việc làm kinh tế“. Lúc đó đúng thiệt là rất tủi thân vì bị chê quá thẳng. Nhưng bù lại cũng nhờ như vậy mà mình chuẩn bị cho những lần phỏng vấn về sau kĩ càng hơn.

Vậy đó, bây giờ có ai hỏi mình là kiếm việc ở Đức có dễ không? Thì mình xin trả lời chắc rằng không dễ tí nào, nhưng nếu như bạn có tí may mắn, thì chỉ cần rải vài chục hồ sơ, sẽ có vài chỗ „nhặt“ bạn. Còn nếu như bạn ít may mắn hơn thì cứ rải đến hàng trăm, rồi vài trăm… chắc chắn thế nào cũng có vài chỗ „nhặt“ bạn và chào đón bạn thôi. Vì theo mình thì việc „rải truyền đơn“ cho những vị trí phù hợp tại những công ty khác nhau, cũng là một hình thức gia tăng cơ hội nghề nghiệp cho chính bản thân mình.

Đối với mình thì kinh nghiệm đi phỏng vấn cũng chưa nhiều, lác đác đếm trên đầu ngón tay và chắc chắn sẽ còn phải học hỏi nhiều lắm, nhưng dù sao xin được việc thì coi như cũng là có một tẹo kinh nghiệm qua những lần rớt.

Kết quả là một tháng rưỡi sau khi tốt nghiệp, mình đã tìm được công việc yêu thích. Khỏi phải nói là mình đã vui mừng biết chừng nào. Công việc của mình chủ yếu là sử dụng tiếng Anh để giao dịch với đối tác trên toàn thế giới, điều đặc biệt là mình lại được đại diện „chăm sóc“ mở rộng hoạt động kinh doanh Xuất khẩu hàng thịt đông lạnh từ khắp nơi về cho thị trường Việt Nam. Sinh sống và làm việc môi trường tại Đức, nhưng lại có điều kiện để đóng góp và phát triển cho quê hương Việt Nam, thì điều này là ước mơ của bản thân mình ấp ủ bấy lâu!

Đôi khi nghĩ lại, thì công việc nó đến với mình một cách rất tình cờ, có thể gọi đó là duyên số, nhưng nhiều khi, nếu không thực sự tích cực theo đuổi,  thì chắc mình sẽ mãi không bao giờ có được nó.

Lê Thụy Vy
Sales Manager
KG MTI-Vertriebsgesellschaft mbH & Co
Email: lethuyvy2511@gmail.com

Hình ảnh một buổi triển lãm mà công ty của Thụy Vy tham dự tại Việt Nam – Food and Hotel Vietnam 2015
Các bạn còn có bất kì câu hỏi hoặc muốn tìm hiểu nhiều hơn tới du học Đức hãy liên hệ:
Ban Hỗ trợ sinh viên SIVIDUC
Email: banhotrosinhvien@gmail.com

Published

Updated

Author

Minda

Comments