Nguyễn Quý Tuấn đang là sinh viên Maschinenbau HAW-Hamburg và đồng thời là trợ giảng tutor môn cơ học kĩ thuật, vật lý thực nghiệm và Toán cao cấp cho sinh viên cùng ngành.
IMAG1561
Trường Top, ngành Hot mà không nặng, sau dễ xin việc, việc nhẹ mà lương cao?! Và đặc biệt nếu ai đó còn thắc mắc học ngành gì sau này dễ xin việc ở bên Đức thì có lẽ chúng ta nên lật lại câu hỏi: „Mục đích chính mình đi du học để làm gì? Để học hay để ở lại“
Nếu câu trả lời đơn giản là để ở lại thì có lẽ học ngành gì cũng vậy, đâu cần quá bận tâm. Và nếu để học, xin chớ quên mục đích chính mình đi du học là để học – dám lựa chọn, dám quyết tâm, bạn sẽ không thất bại. Chả có ai là Giáo sư Biết Tuốt như trong báo Chăm Học cả, chính bạn là người hiểu mình có gì và muốn gì nhất! Qua đó, hi vọng với bài chia sẻ của mình, bạn sẽ có thể tự tìm thấy cho mình 1 ngành học phù hợp với khả năng và nguyên vọng của bản thân nhất! Và du học, đâu chỉ có là học kiến thức, mà đó còn là cả 1 chặng đường mà bạn tự khám phá bản thân, trải nghiệm nhiều thứ và trưởng thành thực sự!
1. Studienkolleg (STK)
Qua thử thách đầu tiên, sang được Đức, bạn sẽ phải đối mặt với thử thách khó hơn cả thi Đại học. Vì ở ĐH cứ thi trượt thì sang năm lại thi lại được, nhưng STK thì trong vòng hai năm kể từ khi nhập cảnh bạn phải được nhận bởi một trường ĐH tại đức. Tức là trừ đi một năm học Kolleg thì bạn chỉ có một năm để thi đỗ STK. Nên nếu thi đợt một chưa đỗ thì đợt thi thứ hai bạn nên đăng kí nhiều trường hơn, và đừng chỉ chọn những trường top mà nên xin Zulassung của cả những STK nhỏ, xa xôi chút cũng được nhưng cạnh tranh thấp hơn – ăn chắc – đỗ nhiều thì được lựa chọn, còn không nếu tạch trường mình thích thì vẫn còn trường khác, còn hơn phải về nước nếu quá thời hạn 2 năm quy định.
Theo cá nhân mình thì trước hết bạn nên chọn trường nào mà Kurs bạn học ít có sinh viên Việt Nam. Bởi trong STK thì kiến thức bạn học có lẽ không nhằm nhò gì so với những gì đã học ở THPT, còn như W-, G-kurs thì nó cũng mới chỉ ở mức độ làm quen, chưa là tép gì so với học ĐH sau này. Nhưng cái chính bạn cần là học và làm quen với tác phong học tập, làm việc và văn hóa ở Đức, là hòa nhập với bạn bè nước ngoài, và quan trọng hơn hết là trau dồi cải thiện vốn tiếng Đức trước khi học Đại học. Thử nghĩ mà xem, nếu một lớp quá đông sinh viên Việt Nam thì học STK chả khác gì học cấp 3 ở nhà cả (vậy thì đi du học làm gì?), lại mấy đứa Việt Nam xúm lại ngồi với nhau, nói tiếng Việt với nhau, duy trì văn hóa việt cho nhau. Một mình ngồi với bạn tây có khi lại bị kêu là kiêu chảnh, không hòa đồng! Thực sự là rất khó để hòa nhập hẳn với các bạn nước ngoài trong một lớp có nhiều người Việt Nam, còn trong một lớp ít hay không có sinh viên Việt Nam thì dù không muốn bạn cũng vẫn sẽ phải nói tiếng Đức nhiều, chơi với các bạn nước ngoài nhiều.
Tất nhiên du học xa nhà, gì thì gì chỉ bạn bè cùng văn hóa cùng ngôn ngữ mới dễ thân, dễ tâm sự và hiểu nhau được. Nhưng đừng nên lúc nào cũng dính lấy nhau quá, hãy tự tạo không gian riêng cho mình để chơi nhiều hơn với bạn nước ngoài. Ví dụ như rủ riêng một bạn tiếng Đức giỏi nhưng toán lý chưa giỏi đi học nhóm. Dù bạn chả phải học gì, nhưng thay vì ở nhà ngồi lướt facebook, xem phim thì cũng đi học nhóm coi như kèm nó, dần dần rồi thân nhau hơn mà đi học với nhau rồi kiểu gì chả nói chuyện linh tinh, thân rồi thì rủ đi ăn, đi chơi. Và một cái mình thấy hay nhất là tụ tập nấu ăn cuối tuần rồi ngủ luôn lại nhà nhau chơi, mình thề là lúc tối ăn xong chơi bời trước khi ngủ sẽ là lúc nói phét tiếng Đức cực nhiều.
Học Kolleg nhiều khi là nói, tiếng Đức của người nước ngoài, thậm chí không biết nói gì thì dùng ngôn ngữ cơ thể cũng có thể hiểu nhau rất rõ mà lại vui. STK theo như hầu hết mọi người đánh giá là quãng thời gian vui nhất và ít áp lực nhất khi ở bên Đức. Kolleg vui là thế, dễ là thế nhưng cũng đừng chủ quan, bởi không chỉ bạn nước ngoài mà cũng có những bạn Việt Nam phải học đúp lại 1, 2 kì là không hiếm! Phần nhiều vì môn tiếng đức hay mấy khối W-, G-kurs có mấy môn nhiều chữ, nếu không có thái độ học tập hẳn hoi thì tạch là điều hiển nhiên!
2. Chọn ngành – chọn trường
(Vì học Kĩ thuật nên từ phần này sẽ là chia sẻ những gì mình đã trải qua và cảm nhận trên quan điểm cá nhân về khối ngành kĩ thuật nhé J )
Có lẽ trước khi tốt nghiệp STK hay thậm chí từ khi còn ở Việt Nam các bạn đều đã định hướng được ngành học mình sẽ chọn. Nhưng trước hết hãy tìm hiểu kĩ để chọn ngành mình thích, và phù hợp với khả năng bản thân mình nhất! Ví dụ bạn phân vân giữa ngành Maschinenbau và Elektrotechnik, bạn hãy hỏi các anh chị đi trước, tìm trên Google hoặc lên văn phòng của trường xin Studienmodul của ngành, để biết đc xem ngành đấy bạn sẽ học những gì, học môn nào, học xong sẽ làm gì, làm như thế nào. Như thế bạn sẽ hiểu rõ được ngành nào phù hợp với khả năng và sở thích của bạn nhất!
Fachhochschule (FH) hay Tecknische universität (TU) lại là 1 cuộc chiến không có hồi kết để mà tranh luận. Hiểu sơ sơ thì FH là Đại học Khoa học ứng dụng, sẽ thiên về thực hành. Nhưng như thế không có nghĩa là bạn chỉ chủ yếu thực hành, lý thuyết bạn cũng sẽ được học và hiểu tương đối nhiều nhưng không sâu và tận tường tỉ mỉ như ở TU. Còn TU thì sẽ đào sâu về lý thuyết, mang tính hàn lâm, nghiên cứu nhiều hơn. Ví dụ như học TU ra trường bạn có thể nghiên cứu, chế tạo ra 1 loại máy mới theo nhu cầu sản xuất, còn học FH ra trường bạn sẽ làm như thế nào để tối ưu hóa các tính năng và cho máy hoạt động với hiệu suất cao nhất. Một ví dụ khác như TU bạn sẽ hiểu tận tường tại sao lập trình như thế này thì sẽ ra chương trình chạy như thế này, còn FH thì bạn sẽ học lập trình như thế nào để chương trình chạy tốt nhất, nhanh nhất. Do đặc thù của hai hình thức trường đại học là khác nhau mà FH sẽ chỉ có đến Master còn TU thì bạn có thể học lên Doktor nữa. Tuy nhiên với Bachelor/Master FH bạn cũng có thể học chuyển tiếp sang Master/Doktor TU nhưng tùy theo đòi hỏi của từng ngành và từng trường mà có lẽ bạn sẽ phải học lại hoặc học thêm vài môn trong TU trước khi chính thức học Master/Doktor.
Mức lương khởi điểm của Bachelor FH và TU ra trường là bằng nhau nhưng nhu cầu tuyển dụng nhân viên với Bachelor FH trong ngành kĩ thuật thường nhiều hơn, một phần là về FH có kĩ năng tốt hơn thành thạo hơn, vào công ty ít phải đào tạo lại hơn, một phần là học TU ở mức Bachelor nhiều khi chưa đủ cho đặc thù công việc của những người xuất thân từ TU, nên sinh viên TU thường học tiếp thêm lên Master để có thể học và làm được nhiều thứ hơn, phù hợp với định dạng nghề nghiệp (điều này cũng tùy thuộc vào ngành bạn học và nghề bạn làm nhưng ví dụ nôm na là Bachelor FH ra trường có thể làm đc những công việc cho phát triến máy móc rồi nhưng Bachelor TU thì có lẽ khó để mà nghiên cứu chế tạo ra máy mới-nhưng cũng có những công việc khác phù hợp nhưng có lẽ chưa thực sự tương xứng với việc học TU).
Có thể nói với bằng FH ra trường bạn sẽ là một kĩ sư thành thạo, còn với bằng TU ra trường bạn sẽ là một kĩ sư sáng tạo, có tiềm năng để phát triển và làm được nhiều thứ hơn. Tất nhiên, không có nghĩa cứ học FH hay TU bạn sẽ làm được như thế, mà nó còn tùy thuộc vào kinh nghiệm, năng lực và trí lực của mỗi người. Nếu bạn học và làm đúng với sở trường, đúng cái bạn thích, thì bạn sẽ có nhiều đam mê và động lực để phát triển hơn.
Vậy nên chọn ngành như nào thì phù hợp?
Thứ nhất, đối với cá nhân mình thì chọn ngành trước tiên phải theo đam mê, và sở trường của mình! Đam mê ở đây là sự yêu thích với ngành chứ không phải chỉ đơn giản thích vì thấy nó hay. Thích phải xuất phát từ việc hiểu nó! – Cũng như việc bạn thích 1 cô gái vậy, thích vì cô ta xinh (giống như thích 1 ngành vì nghe tên nó hay, lương cao, dễ kiếm việc…) nhưng để lấy làm vợ mà k muốn sau này ‚li hôn’ thì bạn phải thực sự tìm hiểu xem cô gái đấy ra sao, cô ấy có phù hợp với mình hay không (cũng như hiểu ngành học để sống với ngành, và sau này sống với nghề). Nhưng đam mê rồi bạn phải có yếu tố năng lực, gần với sở trường để có thể học tập và phát huy hết khả năng một cách tốt nhất, ví dụ bạn thích Maschinenbau nhưng bạn học kém về cơ học thì nên xem xét lại, hay nếu bạn tốt và thích cả lập trình và điện thì Elektronik thật sự là một sự lựa chọn không hề tồi với bạn!
Thứ hai, về việc chọn trường, mặt bằng chung các trường ĐH ở Đức đều có chất lượng tốt tương đương chứ không phải trường tốt tập trung ở thành phố lớn như Việt Nam, vậy nên chọn trường phải phù hợp, vừa sức của mình, biết mình biết ta, chứ đừng chọn trường vì nó có tên tuổi, trường top nếu sức học của bạn không phải ở mức giỏi. Còn FH hay Uni thì ngoài yếu tố học lực ra (học lực không tốt thì k nên đâm đầu vào TU) thì nên học cái mình cần, phù hợp với đặc thù công việc, ngành nghề và phải phù hợp với cả tính cách của mình nữa!
Thứ ba, còn điều nữa là trong Uni hay TU thì lớp học của bạn sẽ là cả một giảng đường lớn, phòng thi hay thậm chí cả một Sporthalle, và số lượng sinh viên lớn nhưng không chung lịch, theo chung lớp khiến bạn khó có cơ hội gần gũi hay thân quen với bạn cùng lớp hơn, giảng đường lớn cũng khó tiếp thu bải giảng hơn. Trong khi đó ở FH mỗi lớp học sẽ tầm trung bình 50-60 sinh viên, học cùng nhau xong làm Labor lại chia tiếp ra làm những nhóm nhỏ hơn, mỗi Labor lại có những nhóm nhỏ hơn nữa để bạn cùng thực hành với nhau.
Như vậy bạn sẽ dễ kết thân với các bạn tây cùng lớp hơn. Dù càng về sau, sau mỗi học kì bạn sẽ thấy số sinh viên trong lớp vẫn thế nhưng những đứa học cùng từ kì 1 sẽ ngày càng ít đi! Vả ở cả TU và FH bạn đều có thể ở nhà, tự học qua Skript nhiều môn mà không thăm Vorlesung (thông thường không khuyến khích). Nhưng trong FH thì có Labor là bắt buộc tham gia.
Học TU khó hơn học FH, nhưng học TU hay FH cái nào tốt hơn thì nó còn phụ thuộc vào bản thân bạn (học lực, tính cách phù hợp với môi trường TU hay FH?) và còn phụ thuộc cả vào ngành bạn học nữa (ví dụ học kinh tế thì mảng kế-kiểm toán, tài chính ngân hàng nên học Uni còn mảng logistic, marketing thì lại nên học FH).
Mỗi người hãy có một chiến thuật chọn trường cho riêng mình sau khi tìm hiểu kĩ về ngành bạn sẽ học! J
3. Vorpraktikum
Ở các ngành kĩ thuật như Maschinenbau, Fahrzeugtechnik… đều có yêu cầu Vorpraktikum, đặc biệt là ở FH (thường yêu cầu tầm 12 tuần). Thời hạn để nộp Vorpraktikum là trước học kì 4, tức là nếu bạn chưa có Vorpraktikum thì bạn sẽ không thể đăng kí những môn của kì bốn, và nếu có Vorpraktikum trước khi nộp hồ sơ xin học ĐH thì bạn cũng sẽ nhận điểm cộng cho việc thực tập trước đó.
Vorpraktikum sẽ yêu cầu bạn số tuần nào phải làm những gì, ví dụ như hai tuần Handwerk (mài, cưa tay, gọt,cắt…) hai tuần học hàn, một tuần học vẽ kĩ thuật … v v. Tùy theo từng trường cũng như từng ngành có cho phép bạn làm Vorpraktikum ở nước ngoài hay không, hoặc quy định giới hạn bao nhiêu tuần (nhiều bạn xin giấy giả ở Việt Nam, dịch thuật công chứng rồi anerkannt ở trường).
Mình đi Vorpraktikum tại công ty
Theo mình thấy thì sau khi tốt nghiệp STK, trong thời gian đợi Zulassung nhập học các bạn nên đi làm Vorpraktikum với số tuần nhiều nhất có thể (tìm hiểu và xin chỗ thực tập từ trước lúc còn đang học STK) hoặc nhiều bạn dư thời gian, đợi kì hoặc chủ động nghỉ một kì để đi làm, như thế bạn nên trích thời gian ra để làm thực tập trước. Bởi vì làm Vorpraktikum bạn sẽ hiểu được chuỗi sản xuất hoạt động của một nhà máy, học và hiểu được đôi điều về gia công, chế tạo và sản xuất liên quan ngành bạn học và đặc biệt nếu vừa xong STK mà làm Vorpraktikum sẽ là điều kiện cực kì tốt để bạn cải thiện tiếng đức và những từ chuyên môn, tên gọi trong sản xuất, bởi bạn sẽ tiếp xúc ngày tám tiếng liên tục trong ba tháng với tiếng Đức thật sự, tiếng Đức của người Đức. Bạn sẽ phải giao tiếp với đồng nghiệp, hiểu việc được giao, không hiểu thì hỏi lại người ta giải thích. Vừa đứng làm vừa nói chuyện phiếm cũng rất vui, và thậm chí còn được dạy tiếng Đức với Umgangsprache. Đấy chẳng phải một khóa học tiếng Đức super intensive miễn phí cực tốt cả về giao tiếp lẫn vốn từ chuyên ngành đó sao! Tự đặt mình vào một môi trường cởi mở của công ty chỉ toàn Đức với Đức cũng là để bạn tự hòa nhập, mạnh dạn hơn mà tiếp xúc với các bạn trong trường đại học sau này J
PS: còn tiếng Đức thì đúng là cần thiết! không biết tiếng thì chả làm đc cái gì chứ đừng nói là học – kiểu như bất lực vậy! Học ngoại ngữ đối với người dưới 12 tuổi thì học tốt nhất trong môi trường tiếng bản địa từ hồi chưa biết gì. Nhưng khi trưởng thành, tiếng mẹ đẻ khắc sâu thì người ta luôn so sánh giữa 2 ngôn ngữ khi học nên tốt nhất trước khi học ĐH trau dồi tiếng đức, vốn từ nhiều thì sau đỡ bị tụt hậu 1-2 năm. Dù sao thì du học là chịu đau dẫm lên gai trước rồi mới bước đến hoa hồng/hoặc là toác chân ra chứ du học không có nghĩa là đi nước ngoài! Ai xác định du học là để du học thì phải xác định mục tiêu đúng đắn, đừng có học mà nhởn nhơ, học như chơi như ở vn, học ĐH ở đây như kiểu ĐH Bách Khoa Hà Nội ý!
Đọc thêm: Học ĐH Khối ngành kỹ thuật ở Đức
nguyenquytuan
Nguồn tin: http://career.sividuc.org