Trang Hamburg

Muốn học tiếng Đức tốt hãy “tập“ hiểu người Đức

Muốn học tiếng Đức tốt hãy ``tập`` hiểu người Đức

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Trang Uni Hamburg
Nguyễn Thị Hồng Trang

Sinh năm 1987
Tốt nghiệp đại học ngành Hoá (Bachelor Chemie) – 2014
Hiện tại là sinh viên Cao học ngành hoá mỹ phẩm (Master of Kosmetikwissenschaft )
Uni Hamburg

Muốn học tiếng Đức tốt hãy tập “hiểu” người Đức. Đó là kinh nghiệm mình rút ra được để có thể học tốt, giao tiếp tốt với người bản xứ.

Mình không phải là người thuộc dạng học ngoại ngữ giỏi, viết tiếng Việt còn sai chính tả, giọng Bắc, Trung Nam còn lẫn lộn, nên mình biết khả năng ngôn ngữ của mình nằm ở giới hạn nào. Để có được khả năng giao tiếp như bây giờ, đủ để vài năm đứng trợ giảng, cũng như làm Tutor ở trường, hay hướng dẫn khách hàng, thuyết phục khách hàng thì nó cần một khoảng thời gian dài luyện tập, và nỗ lực.

Mình không học tiếng Đức bẳng cách ngồi cắm mặt ở thư viện, hay ngồi ở nhà nhốt mình với bốn bức tường học thuộc từ vựng. Mình học tiếng Đức như những đứa trẻ Đức học tiếng Đức, học cách sử dụng, hiểu nó, dùng nó trong ngữ cảnh nào. Để đạt được điều đó, buộc mình phải vác sách vác vở ra đường gặp bạn bè người Đức, để họ chỉ dẫn, cũng như sử dụng nhiều riết rồi quen, rồi ăn vào trong người lúc nào không hay.

Khi mình mới sang Đức, suốt ngày mình xem kênh của con nít, nghe đơn giản vậy chứ cực kỳ khó nghe, vì giọng con nít léo nhéo, còn ngọng, cực kỳ khó hiểu, nhưng những câu và từ sử dụng ở đó thì cực kỳ đơn giản, không phức tạp. Mình tập thói quen mỗi sáng, lúc đánh răng, trang điểm chuẩn bị đi học đều nghe Radio, hóng tin tức, coi như là có chuyện để lên lớp có chủ đề mà tám chuyện với bạn bè Đức. Mình tập nghe, và tập phân tích dữ liệu mà mình cũng nghe được, và tập truyền đạt lại với bạn bè mình bằng tiếng Đức, cách hiểu của mình, vậy là có chuyện để nói.

Mình tập xem hài của Đức, nhất là thể loại Stand up Comedy. Mình xem trên Youtube, có clip mình xem đến mười lần hơn. Lúc đầu không cười, sau mười lần, khi mình hiểu hết, thì mình bắt đầu cười. Có lẽ từ xem những clip hài đó, mình không còn thấy người Đức khó gần và nhàm chán, họ có óc hài hước riêng. Có những chuyện người Việt, người Anh ko cười nổi, nhưng người Đức lại phá lên cười. Đơn giản họ có sự khôi hài riêng của họ. Cũng giống như hài miền Bắc, hài miền Nam của Việt Nam, phải hiểu được sự hài hước thì mới cười được. Hài của Đức cũng thế, nhờ Hài mà mình hiểu chút về con người Đức, và lúc giao tiếp, mình hiểu tại sao họ cười, chỉ vì một câu nói, và chính bản thân mình cũng cảm thấy nó hài thật sự và cười theo. Nhờ vậy mà mình không bị lạc lõng khi giao tiếp với họ.

Mình tập nghe nhạc Đức, tập xem phim những serie mà người Đức đang xem, đọc báo tiếng Đức để biết được người Đức quan tâm đến điều gì. Những điều này nó cũng ảnh hưởng đến tác phong, và phong cách làm việc của mình. Mình giao tiếp gần như không có rào cản với họ. Và đến giờ thì nếu xem phim, mình lại muốn chọn xem phim thuyết minh bằng tiếng Đức hơn là đọc phụ đề bằng tiếng Việt. Nếu bạn đang học tiếng Đức, bạn sẽ thấy ngữ pháp tiếng Đức rất chuẩn mực, rõ ràng, và cứng nhắc. Sách tiếng Đức viết lúc nào cũng vào thẳng vấn đề, chả mấy khi chạy lòng vòng ẩn dụ, trừu tượng, chính bản thân con người Đức cũng thế, họ rất thẳng thắn và đôi chút cứng nhắc như chính ngôn ngữ của họ.

Kinh nghiệm cho thấy, để nói tốt tiếng Đức thì phải hiểu người Đức, hiểu văn hóa, hiểu phong tục, và hiểu cả sự hài hước của họ, vì khi hiểu rồi thì chính bản thân mình cũng cảm thấy mình là một phần của nước Đức dù phần đó là rất rất bé.

Hãy học ngôn ngữ Đức, để sống như người Đức để bạn hòa nhập, chứ đừng học chỉ để tốt nghiệp có cái bằng Đại Học rồi thôi, vì như thế cũng chỉ là ngôn ngữ để học, chứ ko phải để sống. Khi bạn học xong rồi, cuộc sống sau này của bạn trên nước Đức sẽ như thế nào tiếp nữa? Câu trả lời nằm ở trong tay bạn mà thôi.

nguyenhongtrang

Nguồn tin: http://career.sividuc.org

Các bạn còn có bất kì câu hỏi hoặc muốn tìm hiểu nhiều hơn tới du học Đức hãy liên hệ:
Ban Hỗ trợ sinh viên SIVIDUC
Email: banhotrosinhvien@gmail.com

Published

Updated

Author

Minda

Comments