Học âm nhạc ở Đức có gì thú vị?

Học âm nhạc ở Đức có gì thú vị?

Nguyễn Sơn Nam – University of the Arts Bremen

Bremen

Giới thiệu
Tác giả bài viết: Đỗ Doãn Đức – Theo lời kể của Nguyễn Sơn Nam

Cùng với Hungary, Nga, Ba Lan hay Áo, Đức có rất nhiều học viên âm nhạc với những chương trình, những khóa học nhạc được đánh giá rất cao bởi các nhà chuyên môn trên thế giới. Là nơi đã sản sinh ra nhiều nhà soạn nhạc đại tài như Johann Sebastian Bach, Ludwig van Beethoven hay Johannes Bramhs, cũng thật dễ hiểu khi Đức luôn là cái nôi đào tạo ra những chỉ huy dàn nhạc, những nhạc công nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, để đạt được những thành quả thực sự to lớn ấy, những khó khăn mà sinh viên phải vượt qua là không hề đơn giản, và thậm chí, nhiều khi yếu tố may rủi còn đóng một vai trò cực lớn trên con đường thành công ấy.

Dù là một ngành học với những đặc thù riêng, khác hản so với những ngành học như kĩ thuật hay kinh tế thông thường, nhưng cũng giống như tất cả những ngành học khác, mọi thứ được bắt đầu với việc cơ bản: tìm trường. Từ khóa dành cho những ai đang quan tâm tới vấn đề này là “Hochschule für Musik”. Sẽ có một vài học viện, trường học nổi bật về âm nhạc, ví dụ như các trường ở Freiburg, Mannheim hay Leipzig. Mỗi trường sẽ có một yêu cầu riêng về ngôn ngữ và tác phẩm dự thi, vì vậy cần phải nghiên cứu thật kĩ những yêu cầu này để có thể có một bô hồ sơ hoàn chỉnh nhất cả về trình độ ngôn ngữ cũng như trình độ nhạc lý.

Thông thường, trình độ ngôn ngữ sẽ được chia ra làm 2 mức: 1 mức dành cho các bạn học về sư phạm âm nhạc (lí luận âm nhạc, lịch sử âm nhạc) và 1 mức dành cho các bạn học về biểu diễn. Do ngành sư phạm âm nhạc thiên về lí thuyết, trình độ ngôn ngữ được yêu cầu cao hơn, cần phải có bằng TestDaF 3 được viện Goethe ở Việt Nam cấp, còn đối với ngành biểu diễn, trình độ ngôn ngữ được yêu cầu “chỉ” ở mức B1 (hoặc B2). Tất nhiên, từng trường sẽ có những yêu cầu khác nhau về ngôn ngữ, nên vẫn cần tham khảo từng trường để có được cái nhìn chính xác hơn về những yêu cầu này.

Bên cạnh những kĩ năng cần thiết về ngôn ngữ “phổ thông”, ngành âm nhạc còn có những yêu cầu về một thứ “ngôn ngữ” khác, ngôn ngữ âm nhạc – hay còn được gọi với một cái tên mĩ miều hơn, nhạc lí. Mỗi sinh viên sẽ phải tham gia 2 phần thi, biểu diễn các tác phẩm tự chuẩn bị và lý thuyết. Với phần biểu diễn, tùy theo từng trường mà mỗi sinh viên sẽ phải chuẩn bị từ 3 đến 4 tác phẩm (trích đoạn) để trình bày trong vòng 30 phút. Lý thuyết âm nhạc thì cũng tùy theo từng trường mà chỉ cần thi viết hoặc phải thi cả trả lời miệng và viết. Lý thuyết được kiểm tra sẽ xoa quanh các môn đã được học ở Nhạc viện ở Việt Nam, ví dụ như hòa thanh, ghi âm, nghe hợp âm, nghe quãng hay ghi âm 2 bè

Ngoài những điều được nêu ra ở trên, qua quá trình thi và học, tôi cũng rút ra được một số kinh nghiệm, tiện nêu ra đây để các bạn thuận lợi hơn khi đi học về sau này. Để thi được phần biểu diễn, ngoài việc chuẩn bị thật kĩ càng các trích đoạn, tác phẩm dự thi, các bạn nên học thêm thầy ở Đức. Thông thường, khi ở Việt Nam, các kĩ thuật của sinh viên sẽ được rèn luyện thuần thục và vững vàng, tuy nhiên bên cạnh kĩ thuật, các giáo sư chấm thi còn rất quan trọng việc thể hiện tình cảm khi dự thi, và các chi tiết, tiểu tiết về cảm xúc, sắc thái sẽ được các giáo viên dạy thêm người Đức chú ý và rèn cho. Có rất nhiều trường hợp sinh viên rất vững về kĩ thuật, tuy nhiên lại bỏ qua phần sắc thái đã không thể vượt qua được kì thi đầu vào, vì thế nên đây là một điểm mà những bạn đang có dự định đi học về âm nhạc cần lưu ý! Về việc chọn thầy để học thêm, bạn có thể chọn một người đã có nhiều kinh nghiệm, thậm chí đã có kinh nghiệm đi biểu diễn, dĩ nhiên học phí sẽ cực kì cao. Còn tôi, tôi chọn cho mình một gã sinh viên trẻ, còn gì tuyệt vời hơn được một người thầy trẻ khỏe, nhiệt tình, và thậm chí còn vừa dạy vừa tập cùng mình luôn chứ! Nhiều khi, còn có những gã khá đẹp trai và lãng tử, thú vị phải không nào? Mà giá cả lại còn phải chăng nữa chứ.

Thế nhưng, ngay cả khi bạn đã có đủ tất cả các yêu cầu về cả kĩ thuật lẫn cảm xúc, vẫn có một yếu tố khách quan to đùng chi phối việc bạn có được nhận vào trường hay không, đó là các giáo sư chấm thi. Do đặc điểm ngành học khác với các ngành như kinh tế, kĩ thuật, những ngành dựa nhiều vào con số, máy móc, dữ liệu thông tin chính xác, chi tiết, âm nhạc có thể nói khá “dị”. Không hề có chuẩn mực cho các phần thi của sinh viên. Có thể một giáo sư thấy phần thi này rất hay, nhưng nó lại không hợp tai một vị giáo sư khác, vậy nên bạn biểu diễn ở 5 trường, cả 5 lần đánh đều như một, nhưng bạn đỗ 1 còn trượt 4 là chuyện cực kì bình thường. Lúc này thì rõ ràng không phải là bạn kém, mà chính là do yếu tố giáo sư đó. Đây chính là yếu tố may mắn mà tôi đã đề cập đến ở trên đầu bài viết này. Tuy nhiên bạn cũng đừng quá lo và bi quan, sợ rằng mình sẽ chẳng thể nào qua được kì thi đầu vào, yêu cầu của kì thi này không quá cao (vẫn cao, tất nhiên rồi, nhưng sẽ không đến mức mà bạn phải vượt qua những nghệ sĩ hàng đầu trong ngành học này đâu) nên bạn cứ yên tâm đi, chuẩn bị thật tốt phần biểu diễn của mình là bạn sẽ nắm chắc phần thắng mà!

Châu Âu được coi như là cái nôi của âm nhạc cổ điển thế giới, và Đức gần như là trung tâm của cái nôi ấy, vì vậy, đi học nhạc cổ điển ở Đức giống như bạn đang trở về nguồn cội của thứ bạn đang học vậy. Bạn sẽ được cảm nhận rõ hơn những nốt nhạc ở các bản đàn bạn hay chơi, khi mà những nốt nhạc ấy giống như đang bay lượn một cách tự nhiên trong không khí xung quanh bạn, và bạn sẽ còn được sống trong những khoảng khắc, không gian, những thứ đã gợi lên cảm xúc của nhạc sĩ để họ viết nên những giai điệu, nốt nhạc ấy. Rõ ràng, để được trải qua những cảm giác tuyệt vời đó, bạn sẽ phải đi một con đường rất dài và khó khăn, nhưng tin tôi đi, phần thưởng chờ đợi bạn ở cuối con đường ấy sẽ đáng từng giọt mồ hôi mà bạn đã phải bỏ ra đấy!

sonnam

Nguồn tin: http://career.sividuc.org

Published

Updated

Author

Minda

Comments